Từ 1993, trong khuôn khổ chương trình hợp tác khoa học kỹ thuật Việt Nam – Pháp, trung tâm đã được phía Pháp viện trợ thiết bị HRGC-HRMS VG 70VSE của hãng MICROMASS (Anh). Máy có thể phân tích được hàm lượng siêu vết Dioxin phù hợp với tiêu chuẩn EPA 1613 của Mỹ ở độ phân giải 10.000, giới hạn phát hiện ở mức 0,5ppt . Đồng thời Pháp cũng hỗ trợ đào tạo chuyên viên về kỹ thuật phân tích và xử lý mẫu Dioxin tại Trung tâm phân tích Soleize-Lyon-Pháp và một kỹ sư điện tử chuyên về bảo trì và sửa chữa thiết bị. Điều đó đã giúp cho CASE có thể phân tích được Dioxin ngay từ những năm 1995.
Máy HRGC/HRMS
Năm 2004, trước yêu cầu phải phân tích được cả 17 đồng phân PCDDs/PCDFs theo quy định của WHO, Trung tâm Dịch vụ Phân tích và Thí nghiệm được Ủy Ban Nhân Dân TP HCM đầu tư 6,7 tỷ đồng để trang bị một thiết bị mới: máy HRGC-HRMS AutoSpec Ultima NT của tập đòan WATERS - Mỹ, thay cho thiết bị cũ nói trên đã xuống cấp.
Đây là dòng máy thuộc thế hệ mới nhất của hãng WATERS, với hệ thống Autosampler GC PAL 98 vị trí. Chương trình hòan tòan tự động từ khâu tiêm mẫu đến tính tóan định lượng. Máy có thể đạt đến độ phân giải 80.000, định lượng được đồng thời 17 đồng phân PCDDs / PCDFs trong mẫu vật ở mức giới hạn phát hiện 0,01ppt. Tất cả thao tác vận hành đều được kiểm soát bằng hệ thống máy tính với phần mềm Masslynx & Quanlynx. Hệ thống SIOS thu thập xử lý dữ liệu và kiểm sóat khối phổ được thực hiện thông qua máy IBM cực mạnh. Máy còn có chức năng tự động kiểm tra độ phân giải sau mỗi 12 giờ và tự động dừng phân tích nếu phát hiện độ phân giải giảm thấp hơn giới hạn cho phép.
Trung tâm đã xây dựng được các quy trình phân tích Dioxin và Furan trên nhiều lĩnh vực về môi trường : đất, bùn trầm tích, nước sông ngòi, nước ngầm…; về thủy hải sản : tôm, cá, mực…; về nông sản thực phẩm : gạo, đậu, cà phê, sữa…đặc biệt là quy trình phân tích định lượng Dioxin trong mẫu bệnh phẩm : mô mỡ, huyết thanh, gan… Các quy trình này đã được tổ chức VILAS công nhận.