(TP.HCM) - (CAN THO) - (VP.MIEN TRUNG)
Thứ sáu, 12/07/2019, 13:35 GMT+7

Quy trình lấy mẫu rau và củ quả tươi

Mục đích của quy trình này là hướng dẫn các kiểm định viên Cơ quan kiểm soát thực phẩm Canada (CFIA) trong việc thu thập mẫu, làm thế nào để tạo mẫu và giữ tính thống nhất của mẫu.

Các quy trình này chỉ giới hạn đối với việc lấy mẫu rau củ quả tươi để phân tích trong phòng thử nghiệm và không áp dụng cho việc lấy mẫu các sản phẩm thực phẩm khác.

1. Giới thiệu

Một trong các mục tiêu của CFIA là đóng góp vào việc cung cấp nguồn thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng Canada. Để đạt được mục tiêu này, Chương trình rau củ quả tươi đã phát triển các hoạt động lấy mẫu và kiểm nghiệm nhằm kiểm soát tính tuân thủ của rau củ quả nội địa và nhập khẩu theo các quy định:

1. Quy định về rau củ quả tươi, theo Đạo luật sản phẩm nông nghiệp Canada.

2. Đạo luật và Quy định về Thực phẩm và Dược phẩm.

Hàng năm, CFIA phát triển việc kiểm soát mẫu (i.e., hóa chất, vi sinh và bức xạ) hướng đến nhằm kiểm soát tính tuân thủ của rau củ quả nội địa và nhập khẩu theo các quy định của Canada. Các tiêu chí được sử dụng gồm lượng sản phẩm được người tiêu dùng tiêu thụ, rủi ro với sức khỏe con người liên quan đến dạng nhiễm khuẩn, lịch sử tuân thủ của sản phẩm và lịch sử tuân thủ của nguồn gốc sản phẩm.

Hoạt động lấy mẫu và kiểm nghiệm được chia làm 3 giai đoạn: Kiểm tra, giám sát và tuân thủ.

Giai đoạn kiểm tra tính từ việc thu thập dữ liệu, cung cấp thông tin khi phát hiện tồn dư hóa chất, sản phẩm nhiễm phóng xạ và mầm bệnh vi sinh trong giai đoạn lấy mẫu trước xác định các tập hợp rau củ quả tươi. Thông tin trong giai đoạn này được tập hợp thông qua lấy mẫu ngẫu nhiên các sản phẩm tươi. Các lô đã lấy mẫu không được giữ lại và thường được bán cho người tiêu dùng trước khi có kết quả phân tích. Trong giai đoạn này, không áp dụng hành động ép buộc trực tiếp nào. Giai đoạn kiểm tra nhằm nhận biết các sản phẩm vi phạm các quy định hiện hành của Canada và chuyển sang giai đoạn tìm hiểu sâu hơn.

Giai đoạn giám sát tính từ khi nhận biết các vấn đề đáng nghi về nguy cơ tiềm ẩn đối với sức khỏe và có thể tìm nguyên nhân ở một lô hàng, người trồng, vận chuyển, mặt hàng hoặc khu vực địa lý cụ thể dựa trên các thông tin thu thập được trong giai đoạn kiểm tra hoặc từ các nguồn khác. Dựa trên các chứng cứ rủi ro tiềm ẩn về sức khỏe liên quan đến việc nhiễm khuẩn, mẫu sẽ được giữ lại cho đến khi kết quả thử nghiệm đưa ra được giải pháp hợp lý.

Việc thử nghiệm các mẫu giám sát này được hoàn thành trong thời gian sớm nhất có thể và được phòng thử nghiệm ưu tiên so với các mẫu kiểm tra. Nếu giai đoạn này phát hiện có vi phạm thì sẽ áp dụng các hành động tuân thủ tùy theo dạng nhiễm bẩn và nguy cơ sức khỏe liên quan.

Giai đoạn tuân thủ là dùng các biện pháp kiểm soát theo quy định để ngăn chặn việc lưu thông hoặc loại bỏ khỏi khu thương mại một sản phẩm cụ thể đã bị nhiễm bẩn hoặc bị pha trộn và khắc phục sự cố. Hành động tuân thủ luôn hướng đến một nguồn cụ thể, ví dụ như bên phải chịu trách nhiệm pháp lý. Mẫu trong giai đoạn này được bảo quản cho đến khi kết quả thử nghiệm đề ra hành động khắc phục phù hợp.

Việc lấy mẫu và thử nghiệm đặc thù hoặc điều tra đôi khi được dùng để lấy thêm thông tin về việc phát hiện tồn dư hóa chất, phụ gia thực phẩm hoặc các mầm bệnh trong một nhóm mẫu nhỏ. Việc lấy mẫu này bị hạn chế về phạm vi và thời gian và không dựa trên cơ sở rủi ro.

2. Định nghĩa

Lấy mẫu vô trùng: Trong khi lấy mẫu, dùng vải sạch, găng tay vô trùng dùng một lần, hộp đựng mẫu và thiết bị lấy mẫu vô khuẩn.

Nhiễm chất hóa học: Như nhiễm các chất hóa học nông nghiệp (thuốc trừ sâu), kim loại và các nguyên tố (nhôm, chì…), các chất độc tự nhiên, các chất ô nhiễm của môi trường, sơn, phụ gia, các chất tẩy rửa có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người.

Nhiễm khuẩn vi sinh: Gây ra bởi vi khuẩn, virus, nấm men, ký sinh trùng….ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người.

Nhiễm xạ: Quá trình phơi nhiễm rau củ quả tươi dưới năng lượng được điều khiển gọi là “I on hóa” như Cobalt 60, Cesium 137, tia X.



Rau củ quả tươi hoặc các sản phẩm tươi sống: Quả tươi, rau củ tươi, nấm tươi, đỗ giá cũng như các loại rau củ quả tươi đã được cắt sẵn.

Hệ thống theo vết mẫu thí nghiệm (LSTS): Hệ thống cơ sở dữ liệu của CFIA dùng để nắm bắt thông tin liên quan đến mẫu đã lấy và tạo ra các báo cáo lấy mẫu và báo cáo phân tích thử nghiệm.

3. Cơ quan chức năng

Chức năng lấy mẫu

Theo khoản 21(1)(b) của Đạo luật sản phẩm nông nghiệp Canada, rõ ràng trao quyền cho các giám định viên CFIA được lấy mẫu các sản phẩm nông nghiệp miễn phí đối với các sản phẩm mà giám định viên tin rằng có cơ sở hợp lý để áp dụng đạo luật và quy định này. Dù rau củ quả tươi được vận chuyển nội địa hay đã được nhập khẩu, giám định viên có thể sử dụng quyền này để lấy mẫu nhằm đảm bảo việc vận chuyển các sản phẩm này tuân thủ đúng điều khoản 3.1 (1) của các Quy định về rau củ quả tươi. Giám định viên CFIA cũng có thể lấy mẫu rau củ quả tươi đang chuẩn bị vận chuyển liên tỉnh hoặc xuất khẩu nếu công ty thông báo cho họ về kế hoạch của mình. Việc giám định sản phẩm nhập khẩu có thể diễn ra tại địa điểm của bên nhập khẩu ban đầu cũng như địa điểm của các nhà bán lẻ hoặc bán buôn trong một tỉnh.

Nếu phát hiện sai phạm Đạo luật và các điều khoản thực phẩm và dược phẩm, ví dụ như quá liều lượng cho phép hoặc có hóa chất độc hại, giám định viên CFIA có quyền điều tra việc vi phạm tại nông trại và lấy thêm mẫu các sản phẩm vi phạm.

Lấy mẫu ở đâu

Theo phụ khoản 3.1 (1) của Các quy định về rau củ quả tươi, giám định viên CFIA có thể lấy mẫu tại địa điểm của người gieo trồng, đóng gói, bán buôn, nhập khẩu…, các đối tượng nhập khẩu, xuất khẩu hoặc vận chuyển liên tỉnh.

Với các quầy rau củ quả ven đường và của nông dân, trong trường hợp có cơ sở để tin rằng có sản phẩm vi phạm thì việc kiểm tra và lấy mẫu sẽ diễn ra tại Cơ quan Chương trình Bảo vệ Người tiêu dùng và An toàn thực phẩm.

Nếu phát hiện vi phạm an toàn thực phẩm thì việc lấy mẫu tiếp theo sẽ được thực hiện tại nông trại kết hợp với các viên chức địa phương.

Hỗ trợ giám định viên

Có thể cần hỗ trợ từ các nhân viên chính thức đối với các lô sản phầm không vào lấy mẫu được. Lô sản phẩm phải được vận chuyển đến khu vực kiểm tra định sẵn nhằm để lấy mẫu an toàn và chính xác. Để đảm bảo tính thống nhất của mẫu, các nhân viên chính thức phải tuân thủ các thủ tục vệ sinh như các giám định viên: Mặc quần áo bảo hộ sạch sẽ, tóc gọn gàng, dùng găng tay vô trùng. Giám định viên không được tiến hành lấy mẫu khi đang bị ốm hoặc bị thương hoặc bị chẩn đoán nhiễm bệnh truyền nhiễm (như viêm gan A). Giám định viên không tuân thủ các hướng dẫn vệ sinh và kỹ thuật vô trùng có thể làm sản phẩm nhiễm khuẩn. Trước khu lấy mẫu phải thực hiện đủ quy trình sẵn có như: đội mũ trắng, buộc tóc, rửa tay sau khi đi vệ sinh, vứt bỏ dụng cụ lấy mẫu dùng một lần đúng nơi quy định.

4. Thủ tục lấy mẫu

Mỗi mẫu giám định nộp cho phòng thử nghiệm đều được coi là mẫu chính thức. Các mẫu đều đại diện cho lô sản phẩm. Cần áp dụng các biện pháp phù hợp để không bị lẫn mẫu trong quá trình xử lý, lưu giữ và vận chuyển đến phòng thử nghiệm.

Hệ thống truy dấu mẫu thí nghiệm

Biểu mẫu nộp hồ sơ lấy mẫu sản phẩm thực phẩm LSTS

Biểu mẫu có sẵn trên website của CFIA:

http://merlin/english/sci/lab/labsys/centura/cent_fpe.asp

Lưu ý nộp biểu mẫu này kể cả khi chuyển mẫu đến các phòng thử nghiệm tư nhân.

Mã số định danh kế hoạch lấy mẫu và các phân tích cần thiết

Giám định viên nên có số lấy mẫu chính xác từ kế hoạch lấy mẫu thích hợp. Tất cả các số mẫu có tên riêng và mã số để nhận biết mẫu đó dùng cho việc kiểm tra, giám sát, tuân thủ, khiếu nại tiêu dùng hay công nghiệp, điều tra hoặc các hoạt động điều tra khác được xác định trong chương trình.

Nhằm kết nối tốt hơn việc lấy mẫu phục vụ khiếu nại tiêu dùng và công nghiệp, điều tra, các giám định viên CFIA nên liên hệ với các nhân viên chương trình rau củ quả tươi địa phương. Họ phối hợp với Ban quản lý các phòng thử nghiệm và Phòng đánh giá hóa chất vi sinh thực phẩm sẽ quyết định thứ tự ưu tiên của mẫu, dạng phân tích cần thiết và phòng thử nghiệm nào có khả năng phân tích mẫu này. (Các) số mẫu thích hợp sẽ được thông báo sau khi nộp mẫu.

5. Dụng cụ lấy mẫu

Khi tiến hành lấy mẫu cần chắc chắn rằng, không có khả năng nhiễm bẩn chéo giữa các thiết bị, dụng cụ và vật liệu. Với việc lấy mẫu vô trùng cho phân tích vi sinh, cần sắp xếp với nhân viên phòng thử nghiệm CFIA hoặc liên hệ với bên cung cấp để có các thiết bị, vật liệu vô khuẩn.

Hộp đựng mẫu

Dùng hộp khô, sạch và không rò rỉ với dung tích thích hợp. Với việc lấy mẫu vi sinh dùng túi vô trùng Whirlpak™.

Dụng cụ mở gói thực phẩm

Với việc lấy mẫu vi sinh, yêu cầu kéo hoặc dao vô trùng để mở các hộp đựng rau củ quả tươi loại lớn.

Dụng cụ lấy mẫu

Cần dùng dụng cụ lấy mẫu sạch, khô thích hợp. Đối với lấy mẫu vi sinh, dùng xẻng, thìa, que hoặc dĩa vô trùng.

Găng tay vô trùng dùng một lần

Dùng găng tay vô trùng dùng một lần đóng gói sẵn không chứa bột tan tránh việc phản ứng hóa học trong quá trình kiểm nghiệm hóa chất và vi sinh.

Hộp vận chuyển và chất liệu đóng gói

Dùng container/hộp riêng biệt có đủ dung tích. Có thể dùng báo, giấy cắt nhỏ, màng xốp, màng nilon chống sốc hoặc các vật liệu đóng gói phù hợp khác.

Chất làm mát

Dùng hộp plastic cùng với các túi đá để giữ mẫu lạnh. Có thể dùng đá khô để giữ mẫu đông đá trong tình trạng đông đá.

Các dụng cụ khác

Cặp đựng tài liệu, nhiệt kế, đèn flash, bút đánh dấu, thước kẻ, băng che.

6. Lựa chọn mẫu

Lấy mẫu nên tiến hành theo phương thức mẫu có thể đại diện cho cả lô sản phẩm. Các mẫu ngẫu nhiên, đại diện cho lô phải được lấy ở nhiều vị trí khác nhau (trên, giữa và dưới). Không được lấy mẫu trong các hộp đã bị mở, bị vỡ hoặc hư hỏng. Đối với lấy mẫu cho mục đích vi sinh, các giám định viên không nên lấy các sản phẩm quá hạn mà phải dùng các mẫu trước hạn, tốt nhất là 5 ngày trước khi hết hạn. Điều này nhằm đảm bảo các mẫu thu được đại diện đúng tính chất sản phẩm do các cửa hàng bán lẻ không nên bán sản phẩm quá hạn.

Khi lấy mẫu tại địa điểm bán buôn, đóng gói hoặc xử lý, lựa chọn sản phẩm thường được mang ra bán. Không lấy sản phẩm trực tiếp từ dây chuyền sơ chế hoặc đóng gói.

7. Kích thước của mẫu

Kích thước của mẫu được đề cập rõ trong tiêu chuẩn mỗi bản kế hoạch lấy mẫu và phụ thuộc vào thí nghiệm sẽ tiến hành. Trường hợp lấy mẫu giải quyết khiếu nại hoặc điều tra cần tham vấn với phòng thử nghiệm về kích thước mẫu và loại phân tích thực hiện.

Lấy mẫu cho phân tích tồn dư thuốc trừ sâu, nhiễm hóa chất, phụ gia thực phẩm, các chất xử lý và bảo quản

Mẫu ít nhất là 1 kg cho mỗi phần sản phẩm ăn được, trừ khi có quy định khác trong kế hoạch. Không đủ mẫu có thể khiến phòng thử nghiệm không thực hiện được các phân tích và phòng thử nghiệm có thể từ chối mẫu không phù hợp. Trường hợp này, giám định viên và chuyên viên Chương trình rau củ quả tươi địa phương sẽ được yêu cầu lấy mẫu lại và nộp lại mẫu.

Lấy mẫu cho phân tích tia xạ

Kích thước mẫu quy định trong kế hoạch lấy mẫu, ví dụ như kế hoạch lấy mẫu 2004-2005 yêu cầu thu thập 10 quả xoài, 5 quả đu đủ và 5 quả lê. Mẫu có thể lấy từ cùng một hộp/container.

Lấy mẫu cho phân tích vi sinh

Kích thước mẫu quy định trong kế hoạch lấy mẫu, ví dụ như kế hoạch lấy mẫu 2004-2005 yêu cầu thu thập một quả dưa hấu hoặc 5 sản phẩm đóng gói sẵn nặng tổng cộng 750 grams. Không kết hợp bất kỳ đơn vị mẫu nào trong một mẫu chung và tách biệt 5 đơn vị mẫu.

8. Các bước thu thập mẫu Yêu cầu chung

- Chỉ các giám định viên được đào tạo mới thu thập mẫu, trường hợp khác phải dưới sự giám sát hoặc hỗ trợ của giám định viên được đào tạo.

- Mặc quần áo bảo hộ sạch, có bọc râu và tóc để tránh nguy cơ làm hỏng mẫu.

- Nên thực hiện lấy mẫu tại khu vực sạch sẽ để giảm thiểu nguy cơ nhiễm khuẩn.

- Nên lấy mẫu ngẫu nhiên ở các vị trí khác nhau.

Khi lấy mẫu ở container lớn, chọn ngẫu nhiên ít nhất 03 container và từ mỗi container chọn ngẫu nhiên một gói sản phẩm.

- Không nhồi nhét hoặc chọc thủng hộp đựng mẫu.

- Hộp đựng mẫu phải được niêm phong cẩn thận sau khi xếp mẫu để mẫu không bị rơi ra hoặc nhiễm bẩn trong quá trình giao nhận thông thường.

- Việc đóng gói mẫu nên thực hiện ngay tại địa điểm lấy mẫu để tránh khả năng nhiễm bẩn.

- Các mẫu phải được đóng gói cẩn thận để đảm bảo tính nguyên vẹn.

- Không nên mở các sản phẩm đã được đóng gói tiêu dùng sẵn.

Các yêu cầu cụ thể

Thu thập mẫu cho phân tích tia xạ, tồn dư thuốc trừ sâu, nhiễm hóa chất, phụ gia thực phẩm, các chất xử lý và bảo quản

Ngoại trừ khoai tây, sản phẩm nên được bọc trong giấy bạc và đặt trong túi polyethylene (4 mm hoặc dày hơn). Việc bọc trong giấy bạc là cần thiết vì polyethylene có thể ảnh hưởng đến tính nguyên vẹn của mẫu.

Không đặt trực tiếp khoai tây trong túi polyethylene. Gói khoai tây trong giấy bạc và đặt trong túi giấy hoặc túi thông khí loại khác.

Khi lấy mẫu phân tích chất phụ gia và bảo quản, dùng găng tay vô trùng không có bột tan, vì bột tan có thể ảnh hưởng đến kết quả kiểm nghiệm. Nếu lấy mẫu phân tích hóa chất khác, phải đảm bảo dùng găng tay không chứa bột tan.

Thu thập mẫu cho phân tích vi sinh

Các giám định viên cần lưu ý khi lấy mẫu để phân tích vi sinh.

Bất kỳ khi nào có thể, chuyển mẫu đến phòng thử nghiệm trong hộp/container kín. Nếu lấy mẫu một sản phẩm đã đóng gói, cần đảm bảo rằng hộp đựng sẽ không bị hỏng khi vận chuyển.

Nếu sản phẩm quá lớn để cho vào hộp, có thể lấy mẫu một phần đại diện của sản phẩm và chuyển vào túi mẫu vô trùng (như túi Whirlpack™) trong điều kiện vệ sinh.

Các giám định viên nên mang đủ dụng cụ vô khuẩn để lấy đủ số lượng mẫu phù hợp. Dùng găng tay vô trùng không có bột tan. Không tái sử dụng găng tay. Đổi găng tay khi lấy các mẫu khác. Nên tránh không tiếp xúc trực tiếp với bề mặt sản phẩm. Dùng dụng cụ lấy mẫu đặt mẫu vào hộp. Nếu mẫu rơi khỏi hộp mẫu, đừng đặt lại vào hộp. Nếu dùng túi chứa mẫu, đừng dùng miệng thổi để mở túi vì bạn có thể làm bẩn túi.

9. Đánh dấu mẫu

Cần nhận biết từng đơn vị mẫu với nhãn dán hoặc băng che để đánh dấu bên ngoài túi mẫu. Từng mẫu phải được dán nhãn với số nhận biết và bất kỳ thông tin nào khác để xếp được báo cáo lấy mẫu với mẫu tương ứng. Dấu mẫu phải dễ đọc và lâu dài. Đừng dùng bút vì mực có thể ngấm vào hộp.

10. Bảo quản và vận chuyển mẫu

Yêu cầu chung

- Giao mẫu đến phòng thử nghiệm ngay lập tức. Các mẫu vi sinh nên được thu thập và gửi đến phòng thử nghiệm vào đầu tuần để phòng thử nghiệm có đủ thời gian phân tích.

- Nếu trong tuần có ngày nghỉ (Lễ Phục Sinh, Giáng sinh…), nên trao đổi với nhân viên phòng thử nghiệm để xác định thời gian thích hợp gửi mẫu.

- Nếu không gửi được mẫu ngay, nên bảo quản mẫu trong tủ đông hoặc tủ lạnh.

- Vận chuyển mẫu đông đá hoặc đông lạnh trong container riêng biệt để có thể giao đến phòng thử nghiệm trong tình trạng tốt.

- Kích thước container phù hợp để đựng mẫu và các túi đá.

- Dùng container, thùng lạnh, túi đá khô, sạch, vệ sinh. Chất liệu đóng gói cũng phải khô, sạch, vệ sinh.

- Các mẫu phải được phân tách riêng biệt trong quá trình bảo quản và vận chuyển đến phòng thử nghiệm.

- Các mẫu được cho rằng, có tồn dư nhiễm khuẩn nên được niêm phong hai lần trong túi nylon hoặc polyethylene.

- Các mẫu nên được đóng chặt để ngăn chặn việc xô lệch trong lúc vận chuyển nhưng không nên quá chật, tránh mẫu bị hư hỏng. Có thể dùng báo, giấy cắt nhỏ, màng xốp, màng nilon chống sốc hoặc các vật liệu đóng gói phù hợp khác.

- Vào mùa hè, trước khi đưa vào sử dụng, nên đặt hộp/container trong tủ đá để làm lạnh toàn bộ. Có thể thêm túi đá trong thời tiết nóng. Nên dùng nhiệt kế để xác nhận nhiệt độ.

Vận chuyển mẫu đông lạnh

Vận chuyển mẫu trong container với nhiệt độ đông lạnh thích hợp bảo quản mẫu ở nhiệt độ 0 và 7°C. Các chất liệu làm mát như túi đá không được đặt trực tiếp lên trên mẫu. Nên dùng một lớp vật liệu đóng gói để tránh mẫu tiếp xúc trực tiếp với chất liệu làm mát nhằm ngăn chặn việc đông đá. Với thùng ướp lạnh loại lớn, cần đặt các túi đá quanh thùng ướp lạnh hoặc giữa các mẫu để đảm bảo việc đông lạnh liên tục và phù hợp.

Vận chuyển mẫu đông đá

Bọc mẫu đông đá với đá khô trong lớp giấy để tránh tiếp xúc giữa mẫu với đá khô. Phải có đủ đá khô để giữ mẫu đông đá. Cần dán nhãn rõ ràng bên ngoài hộp rằng hộp có bao gồm đá khô.

11. Nhiệt độ vận chuyển mẫu

Nhiệt độ vận chuyển mẫu cho phân tích tồn dư thuốc trừ sâu, nhiễm hóa chất, phụ gia thực phẩm, các chất xử lý và bảo quản

Mẫu nên được bảo quản ở mức nhiệt độ phù hợp ngăn sản phẩm bị hỏng trước khi đến phòng thử nghiệm. Nếu sản phẩm dễ hỏng hoặc đang trong giai đoạn chín nẫu thì nên đông đá để ngăn chặn việc hỏng thêm.

Nhiệt độ vận chuyển mẫu cho phân tích tia xạ

Mẫu nên được bảo quản ở mức nhiệt độ phù hợp ngăn sản phẩm bị hỏng và nên được đông đá. Đừng ướp lạnh mẫu, dù sản phẩm dễ hỏng hoặc đang trong giai đoạn chín nẫu

Nhiệt độ vận chuyển mẫu cho phân tích vi sinh

Mẫu nên được bảo quản ở mức nhiệt độ ngăn sản phẩm bị hỏng và đảm bảo sự toàn vẹn của mẫu khi đến phòng thử nghiệm. Tất cả các mẫu nên được đông lạnh trước khi vận chuyển (như đông lạnh cà chua, ớt ngọt hoặc các sản phẩm khác để nhiệt độ ở mức 0 và 7°C trước khi vận chuyển đến phòng thử nghiệm. Đừng ướp lạnh mẫu, dù sản phẩm dễ hỏng hoặc đang trong giai đoạn chín nẫu. Phòng thử nghiệm có thể từ chối phân tích bất kỳ mẫu nào mà họ cho rằng không được bảo quản ở nhiệt độ thích hợp trong quá trình vận chuyển. Mẫu đến phòng thử nghiệm với nhiệt độ bảo quản trên 7°C sẽ không được phân tích.

12. Vận chuyển mẫu

Trước khi đóng mẫu vào container, cần đảm bảo rằng, mỗi mẫu đã được nhận biết chính xác với mã số mẫu. Đặt báo cáo mẫu trong một phong bì niêm phong ngoài container hoặc trong một túi plastic riêng biệt đặt trong container.

Cần đảm bảo rằng, container được niêm phong và dán nhãn chính xác. Trên container cần ghi rõ “Đồ dễ hỏng, chuyên chở cẩn thận, đá khô (nếu có)”. Cần thông báo cho bên vận chuyển nhu cầu đông lạnh và việc có đá khô, nếu có. Mẫu nên được vận chuyển trong khoảng thời gian hợp lý. Mẫu để phân tích vi sinh nên được vận chuyển càng sớm càng tốt. Nên tránh việc chậm trễ vận chuyển. Nếu mẫu phải vận chuyển vào cuối tuần và không có người trực ở phòng thử nghiệm để nhận mẫu, tốt nhất nên bảo quản mẫu với nhiệt độ thích hợp tại nơi làm việc và chuyển mẫu sớm vào đầu tuần hơn là chuyển mẫu cuối tuần. Nếu trong tuần có ngày lễ thì cần hỏi nhân viên phòng thử nghiệm để xem khi nào thích hợp để gửi mẫu.

THANH BÌNH – Dịch
Nguồn: Cơ quan Kiểm soát Thực phẩm - Canada
Tạp chí Thử nghiệm Ngày nay số 14 tháng 12/2018


Copyright © 2008-2024 case.vn, All right reserved Contact us - About Case
Design by case.vn - Counter : 7087409 | Online : 34