(TP.HCM) - (CAN THO) - (VP.MIEN TRUNG)
Thứ hai, 23/07/2018, 15:50 GMT+7

Hoạt động thử nghiệm với công tác kiểm soát chất lượng hàng hoá nhóm 2 do Bộ NN-PTNT quản lý.

Sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn (còn gọi là sản phẩm, hàng hóa nhóm 2) là sản phầm, hàng hóa trong điều kiện vận chuyển, lưu giữ, bảo quản, sử dụng hợp lý và đúng mục đích, vẫn tiềm ẩn khả năng gây hại cho người, động vật, thực vật, tài sản, môi trường và được quản lý chất lượng trên cơ sở quy chuẩn kỹ thuật tương ứng do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ban hành và tiêu chuẩn do người sản xuất công bố áp dụng.

Theo phân công của Chính phủ, Bộ NN-PTNT đã ban hành Thông tư 28/2017/TT-BNNPTNT ngày 25/12/2017 về danh mục sản phầm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm pháp lý của Bộ, bao gồm 10 nhóm sản phẩm.

Trong công tác quản lý nhà nước về chất lượng đối với sản phẩm hàng hóa nhóm 2, hoạt động thử nghiệm đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc đánh giá sự phù hợp về chất lượng của sản phẩm, hàng hóa so với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ban hành và tiêu chuẩn do người sản xuất công bố áp dụngđể áp dụng kịp thời các biện pháp cần thiết ngăn chặn nguy cơ gây hại cho người, động vật, thực vật, tài sản, môi trường.

Bên cạnh đó, hoạt động thử nghiệm góp phần hỗ trợ cho hoạt động tự kiểm tra, kiểm soát về chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, kinh doanh.

Công tác thử nghiệm, khảo nghiệm, đánh giá chất lượng ngày càng đóng vai trò quan trọng

Để phát huy vai trò của hoạt động thử nghiệm trong công tác phục vụ quản lý nhà nước về chất lượng đối với sản phẩm, hàng hóa nhóm 2, trong những năm vừa qua bên cạnh việc chú trọng đầu tư, nâng cấp năng lực thử nghiệm cho hệ thống các phòng thử nghiệm trực thuộc, Bộ NN-PTNT đã đẩy mạnh thu hút nguồn lực từ các phòng thử nghiệm ngoài ngành và khu vực tư nhân tham gia phục vụ quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm hàng hóa trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Tính đến hết năm 2017, Bộ NN-PTNT đã chỉ định 98 tổ chức thử nghiệm để tham gia cung cấp dịch vụ thử nghiệm, kiểm nghiệm trong các lĩnh vực sản phẩm, hàng hóa thuộc phạm vi quản lý. Năng lực phân tích của các phòng thử nghiệm được chỉ định đã cơ bản đáp ứng các chỉ tiêu về chất lượng, an toàn thực phẩm phục vụ cho công tác quản lý của ngành, đồng thời đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp sản xuất , kinh doanh sản phẩm, hàng hóa.

Theo phân công của Chính phủ, Bộ KH-CN chủ trì, phối hợp với Bộ quản lý chuyên ngành thực hiện quản lý nhà nước đối với hoạt động thử nghiệm chất lượng sản phẩm, hànghóa . Bộ NN-PTNT chịu trách nhiệm thẩm định và cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động thử nghiệm; đánh giá, chỉ định các tổ chức thử nghiệm phục vụ quản lý nhà nước cho các tổ chức đăng ký kinh doanh dịch vụ thử nghiệm chất lượng sản phẩm, hàng hóa thuộc phạm vi quản lý của ngành.

Tuy nhiên, qua hoạt động quản lý đối với các tổ chức này trong thời gian qua đã phát sinh một số tồn tại cần khắc phục như sau:

Thứ nhất, hệ thống văn bản pháp luật về quản lý các hoạt động đánh giá hoạt động sự phù hợp trong đó có hoạt động thử nghiệm còn bất cập, chưa phù hợp với yêu cầu quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa trong tình hình mới theo hướng nâng cao hiệu quả quản lý đồng thời tạo môi trường thuận lợi cho các tổ chức kinh doanh dịch vụ đánh giá sự phù hợp, Chưa có đủ quy định đối với hoạt động thử nghiệm kiểm chứng (trọng tài) để phục vụ việc tranh chấp, khiếu nại về kết quả thử nghiệm.

Thứ hai, hệ thống các phòng thử nghiệm chưa có quy hoạch tổng thể từ Trung ương đến địa phương, hầu hết các phòng thử nghiệm tập trung tại các thành phố trực thuộc Trung ương nên việc gửi mẫu thử nghiệm của các khu vực vùng cao, miền núi gặp nhiều khó khăn. Đầu tư của nhà nước trong xây dựng phòng thử nghiệm còn dàn trải cả từ Trung ương đến địa phương chưa phát huy tối đa năng lực các phòng thử nghiệm đã đầu tư.

Thứ ba, công tác thanh tra, kiểm tra đối với phòng thử nghiệm được chỉ định phục vụ quản lý nhà nước còn chưa được quan tâm đúng mức nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm về hoạt động đánh giá sự phù hợp. Vì vậy, đôi khi vẫn có những mẫu kết quả chưa chính xác, còn có sự khác biệt lớn giữa các phòng thử nghiệm. Mặt khác chưa tạo sự tin tưởng tuyệt đối với những kết quả phân tích, kiểm nghiệm đưa ra.

Về định hướng quản lý trong thời gian tới, Bộ NN-PTNT sẽ phối hợp với Bộ KH-CN hoàn thiện hệ thống cơ sở pháp lý trong quản lý nhà nước đối với các tổ chức thử nghiệm, đặc biệt các tổ chức thử nghiệm được chỉ định phục vụ quản lý nhà nước (trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 132/2008/NĐ-CP; sửa đổi, bổ sung Nghị định 107/2016/NĐ-CP về điều kiện kinh doanh dịch vụ đánh giá sự phù hợp; ban hành Thôngtư hướng dẫn đánh giá, chỉ định và quản lý tổ chức đánh giá sự phù hợp ngành NN PTNT).

Thời gian tới cần đề xuất về hệ thống phòng thử nghiệm kiểm chứng phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước. Bên cạnh đó, tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với các tổ chức thử nghiệm được Bộ chỉ định và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Chỉ đạo các phòng thử nghiệm trực thuộc chủ động nghiên cứu, phát triển phương pháp phân tích các chỉ tiêu mới để kịp thời phục vụ hoạt động quản lý nhà nước.

Nguyễn Như Tiệp,
Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Nông, lâm và Thủy sản (Nafipad)
Bản tin thử nghiệm ngày nay số 3 - Tháng 01/2018



Copyright © 2008-2024 case.vn, All right reserved Contact us - About Case
Design by case.vn - Counter : 7084758 | Online : 242