(TP.HCM) - (CAN THO) - (VP.MIEN TRUNG)
Thứ tư, 20/04/2016, 9:25 GMT+7

Đối phó với hiểm họa vàng ô tràn lan trong thực phẩm

Trong thời gian qua, cơ quan chức năng liên tiếp phát hiện các vụ thực phẩm chứa chất vàng ô có khả năng gây ung thư, khiến dư luận không khỏi hoang mang, lo lắng.

Phân tích vàng ô - 2 ngày có ngay kết quả

Thực phẩm có sử dụng chất vàng ô (Auramine O) - một trong những chất màu tổng hợp dùng để nhuộm vải, sơn tường - có ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Trước tình hình đó, Trung tâm Dịch vụ Phân tích Thí nghiệm TP.HCM (CASE) đã xây dựng thành công quy trình phân tích nhanh vàng ô bằng phương pháp sắc ký lỏng ghép khối phổ 2 lần (LC/MS/MS).

Quy trình phân tích, thí nghiệm tại CASE

Đây là phương pháp có độ chính xác, độ nhạy cao, thường được các tổ chức quốc tế dùng để phân tích các hóa chất độc hại nhóm A (vốn bị cấm trong thực phẩm). Qua đó, cho phép xác định chính xác hàm lượng chất vàng ô ở giới hạn 20 ppb.

Quan trọng nhất, phương pháp này cho phép hoàn thành kết quả phân tích chỉ sau 2 – 5 ngày. Trong trường hợp cần có kết quả gấp để phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chức năng hay yêu cầu gấp từ khách hàng, CASE có thể cung cấp kết quả phân tích chỉ sau 1 ngày.

Những vụ thực phẩm "bẩn" có trộn vàng ô mới được phát hiện trong thời gian gần đây:

1. Ngày 8/4, Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế đã phát hiện tiểu thương tại chợ đầu mối Phú Hậu (phường Phú Hậu, TP.Huế) dùng chất Auramine O (vàng ô) để nhuộm măng.

2. Ngày 31/3, Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Đà Nẵng đã chính thức xác nhận qua kiểm tra 9 mẫu măng trên địa bàn thì có 7 mẫu măng có chứa chất vàng ô.

3. Ngày 16/1, Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường (PC49) Công an TP.HCM kiểm tra cơ sở chế biến măng tại số 61/8 Quốc lộ 1A (phường Tân Thới Nhất, quận 12) phát hiện cơ sở này dùng vàng ô để chế biến măng tươi, trong số 10 tấn măng thì có khoảng 300kg đã được ngâm chất vàng ô để tạo màu vàng tươi.

4. Ngày 16/11/2015, trong đợt cao điểm tăng cường kiểm tra sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, Đoàn thanh tra liên ngành gồm Thanh tra Bộ NNPTNT, Cục Cảnh sát môi trường (C49) tiếp tục phát hiện 11 thùng chứa chất cấm vàng ô tại Công ty Cổ phần dinh dưỡng Việt Nhật (Công ty Việt Nhật), xã Lạc Đạo huyện Văn Lâm (Hưng Yên).‎

Trong cuộc họp gần đây liên quan về công tác vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn, ông Nguyễn Thanh Chương, Phó Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng kiến nghị, cần xử lý hình sự những người cố ý đưa vàng ô vào trong thực phẩm

Theo bà Chu Vân Hải, Giám đốc CASE, việc xây dựng được quy trình phân tích nhanh có ý nghĩa quan trọng, bởi trong thời gian ngắn, có thể cho ra kết quả mang tính chính xác cao, phù hợp cho công tác thanh kiểm tra, quản lý của các cơ quan chức năng trong thời điểm thực phẩm “bẩn” đang là vấn đề được dư luận quan tâm.

“Chỉ sau hơn 1 tháng đưa vào sử dụng quy trình này, CASE đã nhận được hơn 50 mẫu thử từ khắp nơi trên cả nước gửi về nhờ phân tích”, bà Hải cho biết.

Ông Lý Tuấn Kiệt, Trưởng phòng Phân tích Sắc ký cho biết, nhằm phục vụ khách hàng một cách tốt nhất,  hiện nay, CASE đã đầu tư rất nhiều thiết bị hiện đại đang có trên thế giới như: Máy phân tích Dioxin độ phân giải cao, máy sắc ký lỏng ghép khối phổ (LC/MS/MS), các hệ thống phân tích kim loại (ICP, ICP/MS, AAS)… đáp ứng việc phân tích, thử nghiệm cho cá nhân, đơn vị có nhu cầu.

Không chỉ phát hiện, CASE còn có thể góp phần ngăn chặn nguồn thực phẩm “bẩn” đến với người tiêu dùng bằng cách phân tích thành phần thức ăn mà các hộ chăn nuôi sử dụng, hay nguồn nguyên liệu đầu vào từ các siêu thị, nhà hàng, chợ đầu mối... để đưa ra cảnh báo.

“Với những mẫu phẩm được gửi tới CASE phân tích, chúng tôi sẽ  cung cấp một giấy chứng nhận kiểm nghiệm. Trong đó, ghi rõ hàm lượng chất cấm trong mẫu thử có vượt quá chuẩn cho phép hay không. Thông qua chứng nhận này, người tiêu dùng có thể có sự đánh giá tốt hơn khi lựa chọn những loại sản phẩm sạch, an toàn khi sử dụng”, ông Kiệt chia sẻ. Do Vàng ô mới chỉ phát hiện được sử dụng trong thực phẩm

Ông Kiệt cũng cho biết thêm, do vàng ô mới được phát hiện trong thực phẩm trong thời gian gần đây, nên hiện nay trên thị trường chưa có các sản phẩm test nhanh để  kiểm tra độc chất này. “Trong thời gian tới, CASE sẽ nghiên cứu để có thể nhanh chóng cung cấp test nhanh này ra cho thị trường, giúp người dân có thể sử dụng một cách dễ dàng ngay khi có nhu cầu”. 

Nhận biết vàng ô như thế nào?

Trong khi chưa có những công cụ test nhanh, việc phân biệt thực phẩm có chứa  chất vàng ô đang được người dân hết sức quan tâm.

Theo nhiều chuyên gia, việc phân biệt các loại thức phẩm như thịt gà, măng tươi hay dưa cải muối có chứa chất vàng ô hay không không phải là quá khó khăn, có thể thực hiện được thông qua những cảm quan thông thường.

Đối với thịt gà, nếu sử dụng thức ăn có chứa chất vàng ô trong quá trình nuôi, miếng thịt sẽ có màu vàng ươm bắt mắt. Do đó, khi mua gia cầm thịt sẵn, nên chọn những con có da màu vàng nhạt hoặc trắng ngà, nhưng cánh, ức, lưng vàng đậm, mỡ màu vàng. Miếng thịt cũng phải nhìn thấy tươi, không có mùi kháng sinh hoặc mùi hôi, da không có vết tụ máu hay bầm tím.

Để an toàn, người mua hãy chọn gà có thương hiệu, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Nên mua gà trong các siêu thị, cửa hàng tin cậy, có giao kèo để lựa chọn và có con có dấu kiểm dịch của cơ quan thú y.

Với những con gia cầm nghi ngờ bị nhuộm màu bằng hóa chất, người tiêu dùng có thể dễ dàng phận biệt khi nhìn, bởi trong khi da gà có màu vàng óng đẹp và đều thì phần mỡ lại trắng. Ngoài ra, có thể thử bằng cách vắt ít nước cốt chanh hoặc nước muối vào. Nếu da gà bị nhuộm sẽ đổi màu.

Đối với các loại măng hay dưa cải bị ngâm hóa chất, có thể phân biệt bằng cách ngửi mùi. Măng ngâm vàng ô hoặc lưu huỳnh khi ngửi sẽ bị sặc mùi hóa chất lên mũi, đặc biệt là các mùi diêm sinh.

Quan sát bằng mắt thường, các loại măng không hóa chất sẽ có màu hơi thâm đen, trong khi măng ngâm hóa chất có màu trắng phau, hoặc màu vàng đậm do được ngâm bột vàng.  Khi thấy măng có bề ngoài nhẵn, bóng thì không nên mua.

Đối với dưa cải muối, tuyệt đối không mua những sản phẩm được muối trong các thùng sơn, đặc biệt là những loại dưa muối có màu vàng ruộm, bắt mắt. Sau khi mua, không nên ăn sống các loại thực phẩm này mà cần nấu chín trước khi sử dụng.

 Theo Cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế của WHO (IARC), vàng ô là chất đứng thứ 5 trong 116 chất gây ung thư hàng đầu trên thế giới.

Nếu tiếp xúc với chất vàng ô, người tiêu dùng có thể gặp những triệu chứng như nôn, tiêu chảy, tổn thương gan và thận. Vùng da tiếp xúc trực tiếp có thể bị sưng phồng, rộp, đau hay tấy đỏ... Nếu hít phải chất này có thể gây khó thở.

Với trẻ nhỏ, việc hấp thụ quá nhiều chất này có thể dẫn đến các chứng kích thích, hiếu động, lơ đãng, thiếu tập trung…

Ở Châu âu, vàng ô và các muối của nó bị liệt vào danh sách các chất không được sử dụng trong các sản phẩm mỹ phẩm.

Ở Đức, năm 2007, Ủy ban MAK chuyên khảo sát về độc tính của các hợp chất hóa học đối với sức khỏe con người, cũng đã liệt kê vàng ô vào danh mục chất có khả năng gây ung thư.

Hiệp hội chăm sóc sức khỏe Nhật bản năm 2007 cũng theo quy định của IARC liệt vàng ô vào danh sách chất có khả năng gây ung thư nhóm 2B.

Khảo sát thực tế trên một số nhóm công nhân sản xuất vàng ô cho thấy có nhiều trường hợp ung thư bàng quang, phổi, bao tử. Ở Anh, các trường hợp ung thư có nguồn gốc vàng ô chủ yếu trên nam giới.


Thiện An (http://khampha.vn/)
Copyright © 2008-2024 case.vn, All right reserved Contact us - About Case
Design by case.vn - Counter : 7095125 | Online : 124