(TP.HCM) - (CAN THO) - (VP.MIEN TRUNG)
Thứ sáu, 20/11/2015, 9:54 GMT+7

“Đừng ham xuất khẩu thủy sản giá rẻ!”

“Khách hàng ngày càng thông minh, họ có thể bỏ thêm một ít tiền để có những sản phẩm an toàn cho sức khỏe, còn hơn bỏ ra ít tiền nhưng mua một sản phẩm có thể gây bệnh cho mình” - chuyên gia kiểm nghiệm CASE nói.

Thạc sĩ Lý Tuấn Kiệt - Trưởng phòng phân tích sắc ký, chuyên gia lâu năm về kỹ thuật sắc ký tại Trung tâm Dịch vụ Phân tích Thí nghiệm TP HCM (CASE) trao đổi đã có cuộc trao đổi với chúng tôi về công tác kiểm nghiệm, xuất khẩu thủy sản.

“Cũng đành mua ăn thôi, chứ biết làm sao?”

Dạo này, trên nhiều diễn đàn (kể cả báo chí và nghị trường, các vấn đề về chất lượng thực phẩm, đặc biệt là việc hàng thuỷ sản xuất khẩu bị trả về đang rất nóng. Xin hỏi thật: Là người làm phân tích kiểm nghiệm các sản phẩm thủy sản lâu năm, có khi nào anh không dám ra chợ mua tôm, cá về ăn không?

Trước thì hơi nghi ngại nhưng lâu dần thì cũng đành tặc lưỡi, chấp nhận, bởi không mua thì ăn cái gì? Thì cũng tự bảo: Chỉ cần mình hạn chế, ăn vừa đủ là được. Theo tôi, muốn ăn hải sản không bị ngộ độc vì có thể “vấp” phải chất cấm, dư lượng kháng sinh tồn đọng thì nên ăn thêm những thực phẩm có khả năng oxy hóa, vitamin C để bổ sung sức đề kháng cho cơ thể.

ThS Lý Tuấn Kiệt, chuyên gia về kỹ thuật sắc ký tại Trung tâm Dịch vụ Phân tích Thí nghiệm TP HCM (CASE).

Người tiêu dùng bình thường như chúng tôi làm sao để tránh thực phẩm độc? Khi nghi ngờ về chất lượng sản phẩm, người dân có thể đưa sản phẩm đến các đơn vị kiểm nghiệm như CASE để phân tích không?

Có chứ!

Trung tâm trả kết quả như thế nào để an toàn cho mình và đảm bảo sự khách quan, khoa học?

Những phương pháp mà CASE đang áp dụng để phân tích và trả kết quả cho khách hàng đều tuân thủ những qui định nghiêm ngặt của tổ chức đánh giá, các cơ quan quản lý nhà nước (Villas, BNNPNT…). Các phương pháp này trước khi được ban hành áp dụng đều phải trải qua quá trình thẩm định phương pháp, đánh giá sự phù hợp so với các tiêu chuẩn của thị trường.

Nên kiểm nghiệm tại “ruộng”

Là kĩ thuật viên phân tích kiểm nghiệm nhiều năm, theo anh, vì sao thủy sản khi mang đi kiểm nghiệm trong nước không phát hiện chất cấm, dư lượng kháng sinh mà ra nước ngoài lại bị phát hiện và trả về?

Việc một lô hàng của doanh nghiệp bất kỳ, khi phân tích tại các trung tâm trong nước thì không phát hiện chất cấm, khi đưa ra nước ngoài thì lại phát hiện vẫn có thể xảy ra. Nguyên nhân là do doanh nghiệp xuất khẩu (DNXK) thu mua thủy sản từ nhiều hộ nuôi trồng khác nhau. Có thể hộ này không sử dụng chất cấm nhưng hộ khác lại sử dụng. Trong quá trình mang đi kiểm định phân tích, DNXK chỉ mang phân tích vài mẫu chứ không phân tích hết nên xảy ra xác suất này, ảnh hưởng tới cả lô hàng.

Do đó, doanh nghiệp cần xây dựng vùng nguyên liệu tập trung, kiểm soát được đầu vào, thức ăn, thuốc... có như thế mới tạo được một đầu ra sạch và đảm bảo thống nhất.

Nhưng khắc phục việc nuôi trồng thuỷ sản nhỏ lẻ để hình thành vùng nguyên liệu thủy sản tập trung ở ta hiện không dễ. Vì thế, có thể trước mắt DN muốn xuất một lô hàng lớn vẫn phải thu mua từ nhiều nguồn. Theo anh, liệu có cách nào để “chữa cháy” thông qua phân tích thí nghiệm?

Theo tôi, trước mắt, DNXK có thể hướng dẫn người nông dân ghi chép lại cụ thể quá trình nuôi trồng thủy sản để có những biện pháp theo dõi phù hợp. Thứ nữa, DNXK nên tự kiểm tra những mẫu thủy sản ngay tại chỗ bằng các kit thử Elisa, trước khi thu mua để chế biến cũng như sau khi thành phẩm. Những mẫu thử nào dương tính thì đem đến trung tâm phân tích để đối chứng lại. Nếu những công đoạn này các DNXK làm tốt thì các đơn vị như chúng tôi sẽ dễ dàng hơn trong việc phân tích sâu hơn, kỹ  các sản phẩm sau này.

Phải nói rõ và kỹ với nông dân cách cho tôm, cá “uống thuốc”

Theo anh, tại sao trong thủy sản lại nhiễm nhiều chất kháng sinh và bị trả về nhiều như vậy?

Trong thời gian qua, dịch bệnh thủy sản bùng phát nhiều nơi. Thay vì ngồi yên nhìn thủy sản nuôi trồng chết hết, nông dân đã sử dụng kháng sinh. Có những chất dù biết là cấm nhưng giá thành rẻ và có tác dụng tức thì nên họ vẫn phải sử dụng với hy vọng còn nước còn tát, được ít còn hơn là mất trắng.

Tại sao những sản phẩm nuôi trồng không sạch đó vẫn có thể bán được? Tại sao các DNXK vẫn cố ý mua?

Nguồn nguyên liệu cho chế biến thủy sản xuất khẩu ở nước ta không đủ cung cấp. Vì thế nhiều DNXK đã thu mua cho đủ số lượng mà không kiểm soát chặt chẽ chất lượng ở tất cả các nguồn nguyên liệu. Họ biết có thể bị trả về nhưng vẫn mua, vẫn xuất trong tâm thế cầu may: Nếu thị trường nhập khẩu không kiểm tra 100% lô hàng, trót lọt thì lô hàng đó sẽ qua.

Theo anh, Nhà nước có thể làm để “đỡ” cho nông dân và cả các DNXK thuỷ sản?

Các trung tâm nghiên cứu của nghành nông nghiệp cần phổ biến kỹ và rõ với các hộ nuôi trồng thuỷ, hải sản một phác đồ điều trị cụ thể, xem loại thuốc nào an toàn, sử dụng khi nào, trong bao lâu… thì an toàn với sản phẩm thu hoạch để phổ biến cho nông dân và doanh nghiệp.

Hiện nay, nhiều trung tâm nghiên cứu lớn đã có những phác đồ điều trị gọi là “Động dược học dành cho thú y”. Ví dụ như cho heo sử dụng thuốc trước khi xuất chuồng trong bao nhiêu ngày, bao nhiêu ngày thì lấy mẫu máu đi xét nghiệm là có thể đào thải hết, an toàn cho người sử dụng… chúng ta cũng cần phải làm như vậy với các loài thủy sản.

Biện pháp căn cơ nhất là giữa các DN và người nông dân là phải đảm bảo được vùng nguyên liệu sạch, an toàn.

Đó là góc nhìn của anh, người làm khoa học. Nhưng liệu người nông dân có gánh được những chi phí khi áp dụng phác đồ điều trị đó hay không? Sản phẩm từ quy trình nuôi trồng đó liệu có cạnh tranh được với các sản phẩm giá rẻ?

Theo tôi, đã đến lúc chúng ta nên từ bỏ suy nghĩ cạnh tranh xuất khẩu nông sản với giá rẻ. Bởi trên thực tế, xuất khẩu giá rẻ không mang lại giá trị lợi nhuận cao cho nền kinh tế. Nhìn từ xuất khẩu lúa gạo, tại sao Campuchia, Thái Lan họ chỉ xuất khẩu những loại gạo chất lượng cao, dù không nhiều nhưng vẫn có giá trị lớn hơn Việt Nam? Khách hàng ngày càng thông minh, họ có thể bỏ thêm ít tiền để có sản phẩm an toàn cho sức khỏe, còn hơn ham rẻ mà mua sản phẩm có thể gây bệnh cho mình.

Xin cảm ơn anh!

Trung tâm dịch vụ Phân tích Thí nghiệm TP.HCM
Tên giao dịch: CASE
Điện thoại: 083-829-5087                Fax: 083-911-5119
Email: casehcm@case.vn               Website: www.case.vn
Địa chỉ trụ sở chính: số 02 Nguyễn Văn Thủ, Đakao, quận 1, TP Hồ Chí Minh.

Chi nhánh CASE Cần Thơ
Địa chỉ: F2-67, F2-68, đường số 6 (KDC 586) P.Phú Thứ, Q.Cái Răng, Tp.Cần Thơ
Điện thoại: 0710 3918217 - 3918218        Fax: 0710 3918219
Email : support@case.com.vn           Website: www.case.com.vn

Văn phòng đại diện CASE miền Trung chính thức hoạt động từ tháng 10/2015.
Địa chỉ: Số 300 (lô 6) Đường 23/10, Phường Ngọc Hiệp, TP. Nha Trang, Khánh Hòa.
Điện thoại: 058 3811808                         Fax: 058 3811809        
Email: kinhdoanh1@case.vn

Tại CASE có nhiều hệ thống máy móc hiện đại, xác định chính xác thành phần các chất kháng sinh trong thủy sản: hệ thống sắc ký lỏng ghép khối phổ đầu dò tứ cực Agilent 6410 Triple quad LC/MS/MS; hệ thống sắc ký lỏng ghép khối phổ HPLC-MS AB QTRAP 4000; hệ thống sắc ký lỏng ghép khối phổ đầu dò bẫy ion Thermo Finnigan LCQ MS…

Quang Huy (http://khampha.vn/)


Copyright © 2008-2024 case.vn, All right reserved Contact us - About Case
Design by case.vn - Counter : 7087035 | Online : 1360