(TP.HCM) - (CAN THO) - (VP.MIEN TRUNG)
Thứ hai, 05/01/2015, 16:19 GMT+7

Những ký ức và kỷ niệm về một số hợp tác Pháp-Việt

Kỳ 3: TÌM KIẾM TỔ CHỨC CỦA PHÁP THAM GIA DỰ ÁN

Trở về Pháp, tôi đã thiết lập chương trình làm việc, đặc biệt là việc tìm kiếm một tổ chức Pháp có thể đảm nhiệm dự án xây dựng Trung tâm trong tương lai, nhưng vẫn phải có sự trợ giúp chính thức từ phía Pháp, và các phuơng tiện tài chính để thực hiện dự án và đảm bảo việc đào tạo các  cán bộ và các kỹ thuật viên tương lai sẽ làm việc tại  Trung tâm.

Vấn đề khó khăn nhất là tìm ra một tổ chức của Pháp tham gia vào dự án. Ban đầu tôi đã nghĩ đến Phòng thí nghiệm quốc gia Essais, có trụ sở tại đại lộ Brune, Paris. Sau nhiều nỗ lực xin hẹn gặp Ngài giám đốc cơ quan này, tôi được cử đến Văn phòng nghiên cứu mỏ - địa chất (BRGM) tại Orleans. Tôi đã được Ngài giám đốc tiếp đón rất nhiệt tình và Ngài rất quan tâm đến dự án này. Nhưng ngài ấy cũng hỏi tôi đã có những nguồn kinh phí nào cho dự án rồi. Vì không có bất kỳ nguồn kinh phí nào, nên dự án của tôi cũng không có thêm bước tiến nào. Thời điểm đó tôi đang là Giám đốc Phòng thí nghiệm hoá vô cơ và phân tử của Trung tâm nghiên cứu của trường Ecole Centrale Paris, đơn vị thuộc với CNRS. Các nhà nghiên cứu của chúng tôi cần các nghiên cứu hoá học và do đó chúng tôi thường xuyên gửi mẫu đến Trung tâm dịch vụ phân tích (SCA) của CNRS ở Vernaison, gần Solaize, ở phía nam Lyon. Trung tâm này tiến hành phân tích hoá học cho các phòng thí nghiệm của CNRS nhưng cũng thực hiện phân tích hoá học cho ngành công nghiệp. Tại sao tôi lại không nghĩ đến cơ hội hiếm có này nhỉ?

Vì vậy, tôi đã quyết định đến Vernaison để gặp những người phụ trách của cơ quan này. Ngài giám đốc, Tiến sĩ Alain Lamotte đã tiếp đón tôi một cách nồng nhiệt nhất. Ông ấy  đi cùng với tiến sĩ Phạm Quang Thọ, chuyên gia người Việt trong lĩnh vực Cộng Hưởng Từ Hạt Nhân (RMN) và là Trưởng phòng RMN Tôi đã biết tiến sĩ Phạm Quang Thọ từ trước trong cuộc hội thảo Hoá học phân tích tại Orsay. Tiến sĩ Lamotte đồng ý xem xét tính khả thi của dự án. Và cuối cùng ông ấy cũng chỉ định Phó giám đốc của mình tiến sĩ Robert Semet cùng với Tiến sĩ Phạm Quang Thọ tham gia vào dự án. Giữa chúng tôi có mối dây liên hệ vì chúng tôi đều là thành viên của CNRS và dự án đã đi đúng hướng vì tìm được những chuyên gia thật sự. Thế là tôi gửi báo cáo về chuyến công tác của tôi tại Việt Nam cho ban giám đốc hóa học của CNRS và bộ Ngoại giao trong báo cáo tôi nêu rõ tính cần thiết và tính thực thi của dự án thể hiện qua bản kế hoạch thực hiện dự án đã được SCA tính toán thành những con số cụ thể.

Chúng tôi bắt tay vào thực hiện dự án từ đầu những năm 1980, chỉ vài năm sau khi chiến tranh tại Việt Nam kết thúc. Nếu có những điểm bất lợi thì cũng có rất nhiều ưu thế. Vì bằng dự án này  chẳng phải Pháp đã là quốc gia đầu tiên trong số ít những nước phương Tây đi tiên phong việc thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam? Những điểm bất lợi đó là: Việt Nam vừa mới trải qua chiến tranh còn thiếu thốn mọi thứ, đặc biệt là các nhà khoa học và các kỹ thuật viên.  Một cuộc gặp gỡ được tổ chức tại trụ sở của CNRS, tại Paris, bến Anatole Pháp, hội tụ ban lãnh đạo của SCA, Giám đốc hoá học và Giám đốc quan hệ quốc tế của CNRS. Đây là những người ủng hộ cho dự án và chính thức tham gia vào dự án tại SCA ở Vernaison. Pierre Vermeulin, phó giám đốc Hoá học của CNRS được chỉ định là người theo sát quá trình thực hiện dự án. Vì tầm quan trọng của dự án, Bộ Ngoại giao Pháp cũng như là Đại sứ quán Pháp tại Hà Nội đã chấp thuận tài trợ cho dự án.

Tác giả: Nguyễn Quý Đạo

Chịu trách nhiệm đăng tải: Chu Vân Hải

Những hình ảnh về hợp tác xây dựng CASE

Copyright © 2008-2024 case.vn, All right reserved Contact us - About Case
Design by case.vn - Counter : 7083984 | Online : 578